HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

THIÊN CHÚA- ĐẤNG VÔ CÙNG NHÂN TỪ

                   Jptl

Jos.5, 9.10-12; 2Cor.5, 17-21; Lc.15, 1-3. 11-32 (Chúa Nhật thứ tư mùa chay năm C)

Thiên Chúa luôn làm những điều kỳ diệu cho người Do Thái và cho tất cả mọi người. Với Đức Yêsu, người ta biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương và vô cùng nhân từ.

Thiên Chúa đã đưa dân vào đất hứa

Thiên Chúa đã đưa dân Do Thái khỏi Ai-cập, nuôi họ bằng manna, dẫn họ vào đất Ngài đã hứa với cha ông họ. So sánh dân Do Thái và các dân tộc khác, người ta có cảm tưởng Thiên Chúa rất ưu đãi dân riêng của Ngài.

Tại sao Ngài lại ưu đãi dân Do Thái mà đánh phạt dân Ai-cập? Tại sao Thiên Chúa lại giết các con đầu lòng của người Ai-cập? Tại sao Thiên Chúa lại để những con trai của người Do Thái bị thả trôi sông chết khi Ngài nói Ngài yêu thương họ? Tại sao Thiên Chúa mới nhập thể đã gây cớ để những hài nhi ở Bêlem bị Hêrôđê giết? Hành vi đánh phạt dân Ai-cập, cũng nhằm để dân Ai-cập biết về Thiên Chúa hơn. Những người bị tru diệt nơi biển đỏ, bởi tội ngoan cố của Pharaô không chịu để dân Do Thái ra đi khi Thiên Chúa đã dùng Môsê và Aaron bày tỏ quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa. Các hài nhi ở Bêlem được vinh dự làm chứng cho Ngôi Lời nhập thể. Tất cả đều là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang can thiệp trong dòng lịch sử.

Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, kể cả người trong cuộc “bị nạn”. Nếu biết nhìn, người ta có thể nhận ra tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh.

Con người mới trong Đức Kitô

Thiên Chúa đã làm mới tất cả nhờ Đức Yêsu, Con của Ngài. Thiên Chúa làm mới con người liên tục, đặc biệt qua hành vi tha thứ và ban ơn thánh hóa cho con người, khi tội nhân trở lại với Ngài.

Ơn thánh hóa, làm con người giao hòa với Thiên Chúa, trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa, cũng ảnh hưởng trên cả thân xác người, khiến con người có cái nhìn và hành xử độ lượng như Thiên Chúa.

Thiên Chúa như người cha nhân từ

Người con thứ có tội với Cha và với anh mình, vì đã phung phí tài sản do công lao khó nhọc của người Cha. Người con thứ cũng đã xúc phạm Cha mình khi coi việc ở bên Cha là bất hạnh. Việc ra đi gây buồn phiền đau khổ cho người Cha. Tội của người con trưởng nặng không kém, vì đã từ khước không muốn nhận em mình khi người em thống hối trở về. Có lẽ người con trưởng đã coi tiền của trọng hơn em mình. Người con trưởng ở lại bên Cha, chưa chắc đã vì yêu Cha cho bằng sợ một cái gì đó mà không dám ra đi. Người con trưởng sống bên người Cha, mà không có thái độ của một người con nhưng của một người làm công.

Thiên Chúa như người Cha nhân từ, luôn tựa cửa chờ con người trở lại với Ngài. Ngài cũng đối xử với con người, như người Cha năn nỉ người con trưởng hãy chấp nhận em mình, và xin người con trưởng hãy sống trong tâm tình của người con “những gì của Cha đều là của con”.

Thái độ của người con thứ và con trưởng cũng như hình ảnh của người cha trong dụ ngôn, giúp con người hiểu  biết về chính mình và về Thiên Chúa hơn.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Lời Chúa hôm nay cho bạn thấy Thiên Chúa là ai?
2. Nếu Ngôi Lời Thiên Chúa không nhập thể, theo bạn, con người hiểu Thiên Chúa là ai? (Các tôn giáo khác hiểu gì về Thiên Chúa?)
3. Theo bạn, tại sao Thiên Chúa lại tôn trọng tự do con người đến độ như vậy? (Con người có thể không vâng phục, chống lại Thiên Chúa).
4. Những người bị tai nạn nguyền rủa Thiên Chúa, theo bạn, họ có đáng trách không? Tại sao?

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

phamthanhliem

[email protected]