HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật Thứ Mười Bảy Thường Niên, năm C
(St. 18, 20-32; Cl.2, 12-14; Lc.11, 1-13)

Cầu nguyện phải chăng là xin ơn? Có người cho rằng cầu nguyện không nhất thiết phải xin ơn này ơn kia, nhưng còn là ca tụng Thiên Chúa, tán dương những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho con người. Có người không muốn xin gì cả trong cầu nguyện; có người còn kết án cầu nguyện như cầu xin ơn này ơn kia. Họ cho rằng chính Đức Yêsu cũng nói khi cầu nguyện, đừng cầu xin lải nhải dài lời như dân ngoại vì Thiên Chúa biết chúng ta cần gì (Mt.6, 7-8).

Đức Yêsu dạy các môn đệ đừng nhiều lời như thể làm áp lực đối với Thiên Chúa, hoặc như thể Thiên Chúa không yêu thương mình, phải dài lời Thiên Chúa mới nghe. Tuy vậy, chúng ta không được hiểu sai ý Đức Yêsu, vì chính Ngài cũng dạy các tông đồ cầu nguyện, và trong lời dạy của Ngài, chúng ta thấy cầu nguyện cũng là lời cầu xin. Những gì Đức Yêsu dạy trong kinh Lạy Cha, đều là những ơn xin.

Người ta chỉ xin khi người ta thấy mình thiếu, khi thấy mình không có điều mình cần mà người ta lại không thể có nó do tự sức mình. Nếu tôi có thể có được điều gì đó do khả năng của bản thân tôi, tôi không cần xin xỏ ai cả. Tôi sẽ nỗ lực để có được điều đó bằng chính sức lực và khả năng của mình. Cầu xin, là thái độ của một người ý thức mình bất lực. Họ nhận thực mình chỉ là tạo vật; Thiên Chúa mới là chủ tể của mọi loài; và tất cả đều là ơn và bởi Thiên Chúa mà có. Cầu nguyện hàm chứa thái độ của một tạo vật đối với Tạo Hóa, thái độ của của một người bất lực cần sự trợ giúp của Thiên Chúa, thái độ cần Thiên Chúa để mình sống trọn ơn gọi làm người.

Lời Chúa trong sách Sáng Thế hôm nay cho biết hơn về Thiên Chúa. Người ta có cảm tưởng như Abraham nhân từ hơn Thiên Chúa, nhưng thực không phải vậy. Tất cả những gì Abraham nghĩ rằng đúng và dám xin, Thiên Chúa đều đã sẵn sàng làm như Abraham yêu cầu; hơn nữa, “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.” “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Ngài cho thế gian…” Nếu Thiên Chúa yêu con người đến độ dám ban Con Một Yêu Quý của Ngài cho con người, thì Thiên Chúa còn tiếc gì với con người nữa! Thiên Chúa là tình yêu, nghĩa là, Thiên Chúa luôn yêu thương, Thiên Chúa làm tất cả vì yêu thương. Yêu thương hàm chứa tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Yêu thương đòi khoan nhân đối với người tội lỗi. Thiên Chúa yêu thương nên tha thứ mọi lỗi lầm cho con người; Ngài khoan hồng tha thứ những gì con người xúc phạm đến tha nhân và đến Ngài.

Đức Yêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã là một người như tất cả mỗi người chúng ta; Ngài đã chia sẻ thân phận con người, đã phải nghèo đói bị khinh khi, đã phải làm lụng như bất cứ ai vất vả nhất trên đời, đã phải ngủ màn trời chiếu đất (Lc.21, 37), đã bị hiểu lầm hàm oan, đã bị ghét, bị hành hạ cho đến chết. Tất cả mọi người trên dương trần được mời gọi để nhìn vào Ngài, để biết phải sống như thế nào trong những lúc cùng khốn nhất của đời người.

Đức Yêsu cũng không phải là người luôn thành đạt, bằng chứng là Ngài đã phải chết ô nhục trên thập giá, một trong những môn đệ yêu quý nhất của Ngài đã phản bội nộp Ngài cho những kẻ thù ghét Ngài. Ngài đã từng mời gọi người ta theo Ngài, nhưng Ngài đã bị từ chối (Mc.10, 22), và cũng có lắm kẻ bỏ Ngài (Ga.6, 66). Không thể nói rằng lúc nào Ngài cũng vui và hân hoan, vì trong vườn dầu Ngài đã chiến đấu đổ mồ hôi máu (Lc.22, 39-45), đã kinh hoảng âu sầu, đã “buồn đến chết được.” Trên thập giá Ngài còn có cảm nghiệm như thể Thiên Chúa bỏ Ngài, tuy nhiên Ngài vẫn vượt thắng những cám dỗ nơi Ngài, Ngài vẫn một niềm phó thác tất cả đời Ngài cho Thiên Chúa, kể cả mọi dự phóng tốt lành. Ngài đã nói: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”

Sự bình an Đức Yêsu có, đó là sự bình an của người biết Thiên Chúa yêu thương mình, và tin Thiên Chúa sẽ làm những điều tốt lành nhất cho mình. Sự bình an Kitô hữu có, không phải là không có chuyện gì xảy ra cho họ, nhưng là, ngay cả những khó khăn bất lợi đó, họ vẫn tin tưởng và phó thác tất cả cho Thiên Chúa, Đấng họ tin tưởng luôn yêu thương họ, sẽ làm mọi chuyện thành tốt cho họ. Bình an Kitô hữu có, đó là bình an của một người được yêu, tin rằng mình được Đấng vô cùng quyền năng yêu, và Ngài sẽ giúp họ trong mọi hoàn cảnh.

Bận tâm và ao ước của Đức Yêsu là làm sao cho Danh Thánh Cha vinh hiển, làm sao để Nước Công Bình và Yêu Thương bao trùm khắp, làm sao để con người đủ cơm bánh hằng ngày, để con người sống bình an hạnh phúc. Đức Yêsu mong ước con người tha thứ cho nhau theo gương Thiên Chúa, Đấng yêu thương tha thứ tất cả cho con người. Đức Yêsu mong ước con người đừng xúc phạm đến Thiên Chúa Tình Yêu. Đức Yêsu cầu xin để xin Thiên Chúa ban những điều đó cho con người.

Làm con người nên thánh, làm con người thuộc về Thiên Chúa, đó là ân sủng và công việc mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm được. Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác với Thiên Chúa để thuộc trọn về Thiên Chúa, để trở nên thánh, để là tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Con người cần Thiên Chúa giúp để thuộc trọn về Thiên Chúa, để nên thánh, để trở nên người tuyệt vời, để sống bình an hạnh phúc. Không có Thiên Chúa, con người không thể làm gì được.

Xin thì sẽ được, gõ cửa thì sẽ mở cho. Chắc chắn con người sẽ được điều quý nhất khi chạy đến với Thiên Chúa và cầu xin những gì mình ao ước. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban cho con người điều quý gấp vô cùng lần điều con người cầu xin, đó là Thánh Thần. “Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những điều tốt lành, chẳng lẽ Cha anh em trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” Nếu tôi chạy tới với Thiên Chúa, tôi sẽ được những gì quý nhất có thể có được. Xin cho mỗi người thấy được điều này, để luôn chạy đến với Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người vô cùng.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. “Xin thì được gõ cửa thì sẽ mở cho.” Bạn có thấy câu Lời Chúa này ứng nghiệm trong đời bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm của bạn.

2. Có những người cho rằng họ đã xin mà không được. Bạn giải thích cho họ thế nào?

3. Bạn ao ước điều gì? Đức Yêsu ao ước điều gì? Điều Đức Yêsu ao ước và điều bạn ao ước, giống và khác nhau ở điểm nào?

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
phamthanhliem
[email protected]