HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

TIN

Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật thứ mười chín thường niên, năm C
(Kn.18, 6-9; Dt.11, 1-2. 8-19; Lc.12, 32-48)

Biết sự vật, là biết quy luật vận chuyển của nó, và người ta có thể làm chủ, hiểu như người ta có thể can thiệp vào tiến trình vận hành đó. Người ta cũng có thể biết con người như một sinh vật, hiểu như biết những vận hành sinh học nơi con người, và can thiệp như các y bác sĩ đã thực hiện khi chữa bệnh cho con người.

Trong tương quan giữa con người với con người, ngoài những phản ứng tâm sinh lý người ta có thể khảo sát nghiên cứu và đặt thành quy luật, còn có một yếu tố quyết định, đó là chọn lựa tự do của con người. Chính yếu tố chọn lựa tự do của con người, hình thành mỗi người với bản sắc riêng, với cá tính và tư cách của họ. Con người không thể làm chủ được con người, hiểu như người ta không biết được những gì người khác chọn lựa với tự do của mình.

Trong lịch sử tội ác, kẻ gian có thể dùng những chất hóa học gây phản ứng sinh hóa học nhằm ảnh hưởng và điều khiển người khác, nhưng lúc đó người ta không còn tự do chọn lựa nữa; lúc đó người ta chỉ hành xử như một sinh vật chứ không hành xử như một con người, như thực tại nhân linh.

Con người với tự do, lúc này có thể hành xử khác với cách hành xử ở thời điểm trước. Trước người ta tốt, không có nghĩa bây giờ người ta tốt. Con người có thể thay đổi, có thể tốt hơn hoặc có thể dở hơn, tùy chọn lựa của mỗi người. Chính vì chọn lựa tự do, nên người ta không thể biết chính xác gì con người sẽ làm. Tự do, làm con người trở thành mầu nhiệm. Không ai biết trước về tương lai một người, kể cả các thiên thần, các thánh, và ma quỷ. Chỉ có một Thiên Chúa biết về tương lại con người, nhưng Thiên Chúa biết con người ở trên bình diện khác và không phương hại tự do con người bởi vì Ngài là Thiên Chúa. “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm.2, 4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng biết ai cố tình từ khước và sống bất hạnh trọn đời vì họ đã chọn mãi mãi như vậy.

Tin, là hành vi tự do của con người đối với con người. Tại sao Kitô hữu yêu nhau lại dẫn nhau tới nhà thờ cử hành bí tích Hôn Phối? Bởi vì họ muốn Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ, vì họ muốn cộng đoàn tín hữu cầu nguyện cho họ được trung thành trọn đời với nhau. Tại sao trong bí tích Hôn Phối, hai người lại thề hứa với nhau trước mặt cộng đoàn Hội Thánh địa phương? Nếu họ không có khả năng phản bội, thì họ đã chẳng phải thề. Họ thề, vì họ có thể thay đổi, và người kia tin rằng họ sẽ trung thành. Không có gì bảo đảm người đó sẽ trung thành, họ phải tin vào nhau, tin vào chính con người của nhau.

Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng không thể xác, nhưng Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi Vị. Vì vậy, tương quan với Ngài phải là tương quan tình yêu, nghĩa là, như hai người phải tin nhau để yêu nhau, thì con người cũng phải tin vào Thiên Chúa. Ở một mức độ nào đó không cần chứng minh Thiên Chúa hiện hữu, vì trong tương quan tình yêu với ai đó, sự hiện hữu của người kia phải được hàm chứa và không thể nghi ngờ. Phải chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, e rằng tương quan đó chưa phải là tương quan tình yêu.

Niềm tin của Kitô hữu đối với Thiên Chúa không là niềm tin có Thiên Chúa hay không có Thiên Chúa, nhưng là mình có tin tưởng phó thác tương lai mình cho Thiên Chúa không. Kitô hữu chân chính không chỉ không nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn tin Thiên Chúa yêu mình; Ngài can thiệp vào đời mình để làm những điều tốt nhất cho mình. Tin vào những dấu lạ được kể trong lịch sử cứu độ, là tin Thiên Chúa đã yêu thương và can thiệp vào lịch sử dân Do Thái, để qua dân Do Thái Thiên Chúa diễn tả tình yêu đối với tất cả loài người.

Tin Thiên Chúa, hàm chứa biết Thiên Chúa hiện hữu, trông cậy phó thác nơi Ngài. Xưa Abraham đã tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, nên đã dám bỏ quê cha đất tổ để đi đến một nơi xa lạ mà không sợ những nguy hiểm trên đường. Cũng vì tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa mà Abraham dám hiến tế con như Thiên Chúa truyền lệnh dù chính Thiên Chúa đã cho biết dòng giống ông sẽ đông như sao trên trời như cát bãi biển qua Isaac. Vì tin và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, tin Thiên Chúa sẽ làm những điều tốt lành nhất cho mình và cho những người thân yêu của mình, mà bao anh hùng tử đạo đã dám chấp nhận cái chết để trung thành với Thiên Chúa.

Tin Thiên Chúa yêu thương mình, tin Thiên Chúa sẽ làm điều tốt nhất cho mình, tin Thiên Chúa sẽ can thiệp đúng lúc để cứu giúp mình, sẽ làm con người an tâm trong mọi trường hợp, ngay cả những lúc cùng quẫn nhất. Nếu không tin Thiên Chúa yêu thương mình, con người khó có thể sống hạnh phúc nếu không muốn nói, không thể sống hạnh phúc thật. Với Kitô hữu, Đức Yêsu là bảo chứng cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng. Nếu ai đó tin biết Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, thì họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Chưa nhận biết Đức Yêsu, con người chưa nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với con người.

Niềm tin vào Thiên Chúa được cụ thể hóa qua đời sống thường ngày của mỗi người. Yêu thương tha nhân, đặc biệt những người cần đến mình, những người nghèo, những người cô thế cô thân. Niềm tin vào Thiên Chúa được thể hiện qua việc phục vụ anh em xung quanh, trở thành niềm vui và chỗ dựa cho những người sống với mình. Đời sống hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau đã khởi đầu ngay ở đời này, thể hiện qua đời sống yêu thương và phục vụ anh em đồng loại. Ai yêu Chúa yêu người, thì đã được hạnh phúc ngay trong đời này. Chính tin tưởng trông cậy phó thác vào Thiên Chúa, làm con người có thể sống yêu thương và phục vụ anh em mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Theo bạn, tin là gì?

2. Tin là một cách biết. Bạn nghĩ sao về câu nói trên?

3. Tin vào Đức Yêsu, bạn được gì?

 

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
phamthanhliem
[email protected]