HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

NHỮNG CHỨNG NHÂN CỦA ĐẤNG VÔ HÌNH

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

Lễ Trọng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam- Bổn Mạng Giáo Hội Việt Nam

Chúa Nhật ba mươi ba thường niên, năm C

(Kn 3, 1-9; Rm 8, 31-39; Lc 9, 23-26)

Sử ký nước ta cho biết đã có người đến nước Việt Nam mình truyền đạo “Giatô” từ năm 1533; tuy nhiên từ năm 1615 đạo Công giáo được phát triển cách đặc biệt tại Việt Nam. Chữ quốc ngữ hiện tại được hình thành do công lớn của các nhà truyền giáo Dòng Tên, cụ thể là cha Alexandre De Rhodes (1593-1660). Các nhà truyền giáo này đã dùng mẫu tự chữ Latin phiên âm tiếng Việt ta, để hình thành chữ quốc ngữ như hiện tại. Với chữ quốc ngữ, đạo Công Giáo gắn liền với nền văn hóa Việt Nam.

Các nhà truyền giáo, cụ thể là cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes), đã truyền giáo cả ở miền Nam dưới quyền vua Lê chúa Nguyễn và ở miền Bắc dưới quyền vua Lê chúa Trịnh. Một số đông người Việt Nam đã tin vào Đức Yêsu và đã trở thành Kitô hữu. Do hiểu lầm và cũng do ghen ghét xuyên tạc, lệnh cấm đạo đã được ban ra, và khá nhiều Kitô hữu đã phải chết vì đạo. Năm 1644, thầy giảng Anrê Phú Yên mới 19 tuổi đã hiến mạng vì đức tin. Sau thầy giảng Anrê Phú Yên đã có bao Kitô hữu Việt Nam tử vì đạo. Giáo Hội Việt Nam đã có những trang sử anh hùng. Hơn trăm ngàn người Việt Nam tử đạo, trong đó đã có 117 vị được tôn phong thánh, một vị được phong chân phước.

Trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam, có 21 vị thừa sai ngoại quốc, 96 vị người Việt Nam. Trong số 21 vị thánh tử đạo người nước ngoài, có 8 giám mục và 13 linh mục; trong số 96 người Việt Nam tử đạo, có 37 linh mục và 59 giáo dân. Trong số 59 giáo dân, có một chủng sinh là thánh Thomas Thiện, và một phụ nữ là thánh Annê Lê Thị Thành.

Hiến thân tử đạo, hàm chứa niềm tin có sự sống đời sau. Sự sống đời này không đáng kể gì so với sự sống vĩnh cửu mai hậu mà Kitô hữu sẽ được hưởng. Đức Yêsu đã hiến thân chết cho mọi người, và các vị tử đạo cũng muốn dùng chính mạng sống mình để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa theo gương thầy chí thánh Yêsu. Thiên Chúa là Đấng yêu thương và trung tín, sẽ trả cho mỗi người gấp bội so với những hành vi các ngài thực hiện trong cuộc sống đời này.

Các vị tử đạo cũng là những người cha người mẹ người chồng người vợ người con. Là cha là mẹ trong một gia đình, các ngài yêu mến con cái mình; là con trong nhà, các ngài yêu mến cha mẹ già và anh chị em; là vợ là chồng, các ngài yêu mến người bạn đời của mình. Trong trường hợp đặc biệt này, trung thành với Thiên Chúa, là phải chết, là phải xa lìa những người thân yêu của mình. Ai lo cho họ, ai chăm sóc cha già mẹ yếu, ai bảo bọc vợ dại con thơ, ai lo làm nuôi nấng gia đình? Bao ưu tư dằn vặt các ngài, và cuối cùng các ngài đã phải chọn. Chọn Thiên Chúa trên hết, là chấp nhận cái chết, là chấp nhận xa lìa những người thân yêu, là phó thác những người mình thân yêu nhất cho Thiên Chúa tình yêu và trung tín.

Nếu không là một Kitô hữu tốt, làm sao có thể là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con tốt được? Nếu không trung tín với Thiên Chúa thì làm sao giáo dục con cái trung tín với Thiên Chúa và với con người? Cái chết vì Chúa mà các ngài chấp nhận, có thể là một bài học, là một lời giảng dạy có sức thuyết phục cho những người con của các ngài hơn là nếu các ngài tham sống bên cạnh con cái nhưng chỉ nói mà không sống. Các ngài chắc vẫn tin rằng sau khi chết các ngài vẫn có thể hiện diện và cầu bầu cho con cái và những người thân yêu của mình.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã bị bao cực hình tra tấn buộc phải chối bỏ Thiên Chúa. Càng nhiều cực hình, cực hình càng tàn ác, càng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa. Nét đặc trưng của các thánh tử đạo là không oán hận, không thù ghét những kẻ tra tấn và giết hại các ngài. Các ngài vẫn yêu thương kẻ thù như Đức Yêsu đã yêu thương những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc 23, 34). Thánh Têphanô cũng đã nói lời tương tự như Thầy mình (Cv.7, 60). Thái độ yêu thương tha thứ, là thái độ của những người đã thực sự trở nên con Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, nên những ai thuộc về Ngài, cũng sống yêu thương.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã chọn Thiên Chúa trên tất cả, trên cả người thân của mình, trên cả chính mạng sống mình. Đây là điều Đức Maria đã làm. Đây cũng là điều chính Đức Yêsu đã sống. Với Đức Maria, Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi, là Đấng mẹ yêu thương gần gũi hơn cả Giuse, nên Mẹ đã chọn Thiên Chúa trên hết. Các thánh tử đạo, cũng là những người đã có cảm nghiệm Thiên Chúa gần gũi và yêu thương các ngài. Nếu không cảm được Thiên Chúa gần gũi và yêu thương, làm sao các ngài lại dám chọn Thiên Chúa trên tất cả những thực tại khác. Nếu Thiên Chúa là Đấng xa vời với các ngài, tại sao các ngài lại dám chọn Thiên Chúa trên những người thân yêu và gần gũi các ngài. Đấng vô hình và như thể không hiện hữu đối với những kẻ giết hại các thánh tử đạo, đã trở nên hữu hình và quyền năng qua cái chết của các thánh tử đạo. Nếu Đấng đó không hiện hữu và quyền năng, nếu Đấng đó không có sức thu hút đặc biệt, thì tại sao có bao người sẵn sàng hiến thân chịu chết vì trung thành với ý định của Ngài như vậy?

Cực hình, tra tấn, dọa dẫm, dụ dỗ, không thể làm các thánh tử đạo lùi bước chùn chân. Cuối cùng, người ta đã xử tử các ngài. Tử hình, một số người không biết nhìn tưởng đó là dấu chỉ của chiến thắng, nhưng thật ra nó là dấu chỉ của sự thất bại. Không làm gì được người ta, không làm người ta đổi ý cho dù với mọi cực hình và dụ dỗ, kẻ có quyền lực đã phải dùng cái chết để thỏa lòng ác của họ. Những người tưởng mình luôn chiến thắng, luôn bắt người khác phải tuân phục, thì bây giờ họ phải dùng cái chết để chấm dứt mạng sống của người mà họ không thể bắt suy phục được. Chấp nhận cái chết, là đã chiến thắng sự dữ.

Thiên Chúa không bao giờ hủy diệt con người, ngay cả để trừng phạt. Thiên Chúa chỉ dùng tình yêu mời gọi con người bỏ đường gian ác để trở về đường ngay nẻo chính. Sự hủy diệt của kẻ gian ác do chính hành vi của họ tạo ra. Chính sự thù hận làm người ta khổ và không thể sống hạnh phúc. Hỏa ngục là tình trạng thù hận bất hạnh mà ma quỷ và những người thù hận như ma quỷ lãnh nhận. Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa. Cái chết không là tận cùng đối với những người của Thiên Chúa. Cái chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn phục các thánh tử đạo Việt Nam nhất ở điểm nào?

2. Đâu là điểm khác biệt giữa những vị thánh Kitô hữu tử đạo và những người chết vì một lý tưởng nào đó?

3. Một số người cho rằng các người tử đạo là những người vừa ngu, vừa bất hiếu vừa không làm tròn nghĩa vụ làm chồng làm cha làm con. Bạn trả lời sao với những lời chỉ trích này?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
phamthanhliem
[email protected]